Dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư TTL thường xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên và bệnh không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn đầu nên để phát hiện bệnh sớm, nam giới trên 50 tuổi cần khám tầm soát ung TTL hàng năm
Tuyến tiền liệt (TTL) nằm ở phía dưới bàng quang, bọc quanh phần đầu niệu đạo ngay dưới bàng quang (niệu đạo sau).
TTL có hai chức năng chính là: góp phần tạo ra tinh dịch và cung cấp năng lượng cho tinh trùng, đồng thời kiểm soát tiểu tiện ở nam giới.
Hình dạng và kích thước TTL thay đổi dần theo thời gian đi cùng với sự phát triển và hoàn thiện cơ thể của nam giới. Cụ thể: Khi vừa chào đời, kích thước TTL rất nhỏ thường chỉ bé bằng hạt đậu nành. Giai đoạn tuổi thiếu niên, TTL lớn dần với kích thước nặng khoảng hạt hạnh nhân, có dạng hình elip. Giai đoạn tuổi trưởng thành, TTL ngừng phát triển với kích thước trung bình nặng chừng 20g - 25g, rộng 4cm, cao 3cm, dày 2,5cm, hình dạng giống như quả óc chó. Giai đoạn tuổi trung niên, TTL bắt đầu bị lão hóa, các tế bào mô TTL phát triển nhanh khiến kích thước TTL phình to và gây ra các bệnh.
Trong TTL có thể xuất hiện đồng thời ung thư TTL lẫn phì đại lành tính TTL và đây là hai loại bệnh lý riêng biệt không như một số người lo ngại phì đại TTL để lâu sẽ thành ung thư.
Ung thư TTL là do sự sinh sôi quá mức của các tế bào TTL. Tuy nhiên không phải cứ sinh sôi quá mức TTL là ung thư. Ung thư TTL đa số là tiến triển chậm, khó nhận biết, ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu nào gợi ý rõ ràng và đa số các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể gặp ở các bệnh lý khác. Tuy nhiên, cần nghĩ đến ung thư TTL nếu có các dấu hiệu sau: Tiểu khó, tiểu lắt nhắt. Nước tiểu có máu nhưng thường lượng máu rất ít, mắt thường khó phát hiện được mà phải nhờ đến xét nghiệm. TTL to hơn bình thường và có thể sờ thấy một nhân cứng.
Khi bệnh tiến triển nặng có thể gặp các triệu chứng như: Phù hai bàn chân, tiểu không tự chủ hay bí tiểu. Đau nhức xương hay có thể bị gãy xương khi gặp một chấn thương nhẹ.
Ung thư TTL thường xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên và bệnh không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn đầu nên để phát hiện bệnh sớm, nam giới trên 50 tuổi cần khám tầm soát ung TTL hàng năm. Nếu gia đình có cha, anh ruột bị ung thư TTL thì nên chủ động đi khám TTL mỗi năm từ tuổi 40. Qua các thăm khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng như tiến hành thăm khám qua hậu môn, trực tràng; sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn của siêu âm qua trực tràng và xét nghiệm máu. Người bệnh cần được chẩn đoán bệnh sớm nhất để điều kịp thời và chữa khỏi.
BS. ĐINH MẠNH TRÍ (Trích nguồn : Suckhoedoisong.vn)
Bài viết khác